Tác Giả

ĐẠT LAI LẠT MA


Đức Đạt Lai Lạt Ma 14
Đăng-châu Gia-mục-thố (tiếng Tạng: Tenzin Gyatso, བསྟན་འཛིན་རྒྱ་མཚོ་; sinh ngày 6 tháng 7 năm 1935) là tên của Đạt-lại Lạt-ma thứ 14, là nhà lãnh đạo thế quyền và giáo quyền của nhân dân Tây Tạng. Theo công trình nghiên cứu cá nhân vừa qua của giáo sư Eric Sharp thuộc Đại học Sydney, Úc thì trong số những thánh nhân của thế kỷ thứ 20 này, có ba thánh nhân người châu Á, đó là cố thi hào Ấn ĐộRabindranath Tagore (1861-1941), Mahātma Gandhi (1869-1948) và chính vị Đạt-lại Lạt-ma thứ 14 này

Sư chào đời tại làng Taktser, vùng Đông Bắc Tây Tạng vào ngày 6 tháng 7 năm 1935 trong một gia đình nông dân.[2] Tên trước khi được thừa nhận trở thành vị Đạt-Lại Lạt ma thứ 14 là "Lhamo Dhondup". Sư được thừa nhận là Đạt-lại Lạt-ma vào năm 2 tuổi theo truyền thống Tây Tạng như là Hóa thân của Đạt-lại Lạt-ma thứ 13, cũng là hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, hiện thân của lòng từ bi.

Theo truyền thống của người Tây Tạng, Đạt-lại Lạt-ma là hiện thân lòng từ của chư Phật và Bồ Tát, người chọn con đường tái sinh trở lại kiếp người để cứu giúp chúng sanh. Danh hiệu Đạt-lại Lạt-ma cũng được hiểu là Hộ Tín, "Người bảo vệ đức tin", Huệ Hải, "Biển lớn của trí tuệ", Pháp vương, "Vua của Chánh Pháp", Như ý châu, "Viên bảo châu như ý"...

Đạt-lại Lạt-ma được tấn phong tước vị vào ngày 22 tháng 2 năm 1940 tại Lhasa, thủ đô của Tây Tạng, chính thức là người lãnh đạo chính trị và tôn giáo cho 6 triệu người


Đạt-lại Lạt-ma bắt đầu sự nghiệp học vấn của mình vào năm 6 tuổi và hoàn tất học vị cao nhất của Phật giáo Tây Tạng là Geshe Lharampa, tương đương với Tiến sĩ triết học Phật giáo (Doctorate of Buddhist Philosophy) ở tuổi 25 vào năm 1959. Năm 24 tuổi, Sư đã tham dự kỳ thi đầu tiên tại các đại học Phật giáo Drepung, Sera và Ganden. Kỳ thi cuối cùng được tổ chức tại Jokhang, thủ đô Lhasa trong thời gian lễ hội Monlam, tháng giêng theo lịch Tây Tạng.

Trước đó Sư phải học tất cả các môn học chính như Luận lý (logic) văn hóa và nghệ thuật Tây Tạng (Culture & Tibetan Art), Phạn ngữ (sanskrit), Y học (medicine),Triết học Phật giáo (Buddhist philosophy). Riêng môn Phật học này là khó nhất, được chia ra làm năm phần là Bát-nhã-ba-la-mật-đa (sa. prajñāpāramitā), Trung quán (sa. mādhyamika), Giới luật (sa. vinaya), A-tì-đạt-ma và Lượng học (sa. pramāṇa) . Và các môn học phụ khác là: biện luận (dialetics), thi ca (poetry), âm nhạc(music) và kịch nghệ (drama), thiên văn (astrology), văn phạm (metre and phrasing).


Vào ngày 17 tháng 11 năm 1950, Đạt-lại Lạt-ma 14 đảm nhận trọng trách là người lãnh đạo thế quyền của người dân Tây Tạng (head of the State and Government) sau khi có khoảng 80.000 quân lính của Trung Quốc tấn công vào Tây Tạng.

Năm 1954, Sư đã đến Bắc Kinh để thương thuyết hòa bình với chủ tịch Mao Trạch Đông và những nhà lãnh đạo Trung Hoa khác, gồm Chu Ân Lai  Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán trong chuyến đi này không mang lại kết quả.

Cuối thập niên 50, tại miền Đông Tây Tạng, dân chúng đã đứng lên kháng cự mạnh mẽ chống đối chính quyền Trung Quốc. Sự kháng cự này đã lan ra trên nhiều tỉnh thành của Tây Tạng. Vào ngày 10 tháng 3 năm 1959, một cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử của Tây Tạng tại thủ đô Lhasa để kêu gọi binh lính Trung Quốc phải rút khỏi Tây Tạng và tái xác định rằng Tây Tạng là một quốc gia độc lập. Cuộc biểu tình ôn hòa này đã bị quân đội Trung Quốc trấn áp quyết liệt. Trong thời kìĐại nhảy vọt, đã có khoảng 200.000 đến 1 triệu người Tây Tạng chết và khoảng 6 nghìn chùa chiền bị phá hủy tại vùng đất này.

Để tránh sự đàn áp của chính quyền Trung Quốc, 80.000 người dân Tây Tạng cùng với Đạt-lại Lạt-ma 14 vượt qua dãy Hy Mã Lạp Sơn đến tị nạn tại miền bắc Ấn Độ vào năm 1959. Thời điểm đó trên thế giới ít người biết và để ý đến tình hình xảy ra ở Tây Tạng và Dalai Lama. Ấn Độ có tranh chấp với Trung Quốc về vấn đề biên giới, vì vậy họ không muốn làm tình hình căng thẳng thêm, nên cũng chẳng tha thiết giúp đỡ đoàn người tỵ nạn đến từ Tây Tạng.


Giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1989

Ủy ban Hòa bình Na Uy quyết định trao tặng Giải thưởng Nobel Hòa bình cho Sư vào năm 1989 sau khi được cả thế giới tán dương và tán thành, ngoại trừ Trung Hoa. Trong quyết định ấy có đoạn viết:

"Ủy ban muốn nhấn mạnh rằng Đức Đạt-lại Lạt-ma với sự đấu tranh cho tự do cho Tây Tạng vẫn kiên quyết không sử dụng bạo lực. Sư đã ủng hộ giải pháp hòa bình dựa trên tinh thần khoan dung và tôn trọng lẫn nhau để bảo vệ lịch sử và tài sản văn hóa của con người.

Vào ngày 10 tháng 12 năm 1989, Đạt-lại Lạt-ma đã tiếp nhận giải thưởng hòa bình trên tinh thần nhân danh những người bị đàn áp ở khắp mọi nơi, tất cả những ai đấu tranh cho tự do và hòa bình thế giới và đặc biệt là nhân dân Tây Tạng. Trong lời phát biểu tại buổi lễ nhận giải, Sư đã nói:

Giải thưởng đã tái xác nhận một lần nữa lòng quyết tâm của chúng tôi rằng chân lý, lòng dũng cảm và quyết tâm của chúng tôi như là những vũ khí, Tây Tạng sẽ được tự do. Cuộc đấu tranh của chúng tôi vẫn phải theo đuổi đường hướng bất bạo động và loại bỏ hận thù (The prize reaffirms our conviction that with truth, courage and determination as our weapons, Tibet will be liberated. Our struggle must remain nonviolent and free of hatred)
Trước tác (tóm lược)

Mặc dù bận rộn với nhiều công tác của chính phủ và hoằng Pháp, nhưng Đức Đạt-lại Lạt-ma cũng dành những thời gian nhất định để viết những tác phẩm Phật học, lịch sử, tự truyện... để phổ biến những tinh túy trong giáo lý của Phật Đà. Khởi viết cuốn Đất nước tôi và Nhân dân tôi (My Land and My People) vào năm 1964 sau khi Sư đến tị nạn tại Ấn Độ, tính đến nay đã có trên 50 tác phẩm các loại, do chính ngài tự tay viết hoặc do đệ tử ghi chép những bài giảng của Sư hoặc họ viết về ngài. Đáng chú ý trong số tác phẩm này là:

  1. Mở Huệ Nhãn (The opening of the Wisdom eye, xuất bản năm 1972);
  2. Phật giáo Tây Tạng (The Buddhism of Tibet, xb năm 1975);
  3. Biển của Trí Huệ (Ocean of Wisdom, xb tháng 2 năm 1990);
  4. Dalai Lama: Chính sách của Lòng Từ (The Dalai Lama: A Policy of Kindness, xb năm 1990);
  5. Tự do nơi lưu đày (Free in Exile, xb năm 1991);
  6. Ý nghĩa của cuộc sống (The meaning of Life, xb năm 1992);
  7. Tia sáng trong bóng đêm (Flash of Lightning in the Dark of Night, xb năm 1994);
  8. Cuộc đối thoại về trách nhiệm chung và giáo dục (Dialogues on Universal Responsibility and Education, xb năm 1995);
  9. Sức mạnh của lòng từ bi (The power of compassion, xb năm 1995);
  10. Con đường giác ngộ (The Path of Enlightenment, xb năm 1995);
  11. Bạo lực và Lòng từ bi-Sức mạnh của Phật giáo (Violence and Compassion/ Power of Buddhism, xb năm 1995);
  12. Chữa lành cơn thịnh nộ: Sức mạnh của sự kiên nhẫn từ cách nhìn của Phật tử (Healing Anger: The Power of Patience from a Buddhist Perspective, xb tháng 3 năm 1997);
  13. Tứ Diệu Đế (The Four Noble Truths, xb năm 1998);
  14. Nghệ thuật hạnh phúc (The art of Happiness, xb năm 1998);
  15. Thời luân Đát-đặc-la (KALACHAKRA TANTRA, Xb 1999);
  16. Ý Nghĩa cuộc cuộc sống (THE MEANING OF LIFE, Xb 1999);
  17. Khoa học Tâm Linh, Cuộc đối thoại Đông-Tây (MIND SCIENCE, An East-West Dialogue, xb 1999);
  18. Ngủ, mơ và chết, một cuộc khám phá của Tâm thức (SLEEPING, DREAMING, AND DYING, An Exploration of Consciousness, Xb 1999);
  19. Thế giới Phật giáo Tây Tạng, khái quát về triết lý và thực hành (THE WORLD OF TIBETAN BUDDHISM, An Overview of Its Philosophy and Practice, Xb 1999);
  20. Đạo Đức Thiên Niên Ki Mới (Ethics for the new millennium, xb tháng 8 năm 1999);
  21. Nghệ Thuật của Hạnh Phúc: Sổ tay cho cuộc sống (The Art of Happiness: A Handbook for Living, xb tháng 9 năm 1999);
  22. Trí Huệ Luận (The Dalai Lama's Book of Wisdom, xb tháng 4 năm 2000);
  23. Biến đổi Tâm (Transforming the Mind, xb tháng 5 năm 2000);
  24. Các Giai Đoạn của Thiền Định (Stages of Meditation, xb tháng 3 năm 2001);
  25. Con Đường dẫn tới cuộc sống đầy ý nghiã (How to Practice: The Way to a Meaningful Life, xb tháng 5 năm 2001)
  26. Tâm hồn rộng mở: Thực Hành Từ bi trong cuộc sống hàng ngày (An Open Heart: Practicing Compassion in Everyday Life, xb tháng 9 năm 2001);
  27. Luận về Từ Bi và Bác Ái (The Dalai Lama's Book of Love and Compassion, xb tháng 10 năm 2001);
  28. Những lời Khuyên của Thích-Ca-Mâu-Ni (Advice from Buddha Shakyamuni, xb tháng 7 năm 2002);
  29. Cốt Tủy của Hạnh Phúc: Sách Hướng Dẫn cho Cách Sống (The Essence of Happiness: A Guidebook for Living xb tháng 7 năm 2002);
  30. Đường Dẫn tới sư Yên Tĩnh: Trí huệ hàng ngày (The Path to Tranquility: Daily Wisdom , xb tháng 8 năm 2002);
  31. Tỉnh Thức Luận (The Dalai Lama's Book of Awakening, xb tháng 2 năm 2003);
  32. Nghệ Thuật của Hạnh Phúc trong Công Việc (The Art of Happiness at Work, xb tháng 8 năm 2005);
  33. Vũ Trụ Trong Một Nguyên Tử: Sự Hội Tụ của Khoa Học và Tâm Linh (The Universe in a Single Atom: The Convergence of Science and Spirituality, xb tháng 9 năm 2005);
  34. Để Thấy được Thực Sự Chính Mình (How to See Yourself As You Really Are, xb tháng 12 năm 2006);

Kết luận

Như sự miêu tả của giáo sư Eric Sharpe thánh nhân là người suốt đời chú trọng đến việc mang lại an lạc cho con người và cuộc đời. Trong khi theo đuổi lý tưởng ấy, họ thường phải hứng chịu những trở ngại, đau đớn hoặc nguy hiểm đến sinh mạng. Đạt-lại Lạt-ma thứ 14 đã hiện thân cho những gì đã được miêu tả ấy. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sự xuất hiện của ngài như là một định mệnh, đã thừa kế tước vị Đạt-lại Lạt-ma ở trong một giai đoạn bấp bênh nhất trong toàn bộ lịch sử cao quý này. Hiện nay, vẫn trong thân phận người tị nạn lưu vong, tuy nhiên, Sư rất lạc quan và hy vọng cho tương lai độc lập và tự do cho thế giới và xứ sở của Sư như lời Sư đã nhắc tới trong bức Thông Điệp 2000:

"Thế kỷ 20 đầy xung đột và chiến tranh. Từng bước, chúng ta bảo đảm thế kỷ tới sẽ có đặc tính bất bạo động và đối thoại, là điều kiện tiên quyết để cùng hiện hữu bên nhau trong hòa bình".
"Xã hội nào cũng có những khác biệt và xung đột. Tuy vậy, chúng ta cần phát triển niềm tin tưởng rằng: đối thoại và tình bạn là một đường lối chính chắn để tránh bạo động. Trước thiên kỷ mới, điều mọi người cần thực hiện là tăng cường tinh thần trách nhiệm đối với quốc tế".
Nguồn:https://vi.wikipedia.org/wiki/Tenzin_Gyatso
STT
 Tác Phẩm (bấm vào đề tài để đọc tiếp)
Tác Giả
1
Tuệ Ngữ Của Đạt Lai Lạt Ma
Đạt Lai Lạt Ma
2
Những Lời Khuyên Tâm Huyết
Đạt Lai Lạt Ma
3
Vũ Trụ Trong Một Nguyên Tử
Đạt Lai Lạt Ma
4
Sướng Khổ Tự Nơi Ta
Đạt Lai Lạt Ma
5
Tự Do Trong Lưu Đày - Hoang Phong dịch (1) - Video Đạt Lai Lạt Ma

Tự Do Trong Lưu Đày - Hoang Phong dịch (2) - video Đạt Lai Lạt Ma

Tự Do Trong Lưu Đày - Hoang Phong dịch (3) - video Đạt Lai Lạt Ma

Tự Do Trong Lưu Đày - Hoang Phong dịch (4) - video Đạt Lai Lạt Ma
6
Chủ Động Cái Chết Để Tái Sinh ...Tốt Đẹp Hơn 1 - Video
Đạt Lai Lạt Ma

Chủ Động Cái Chết Để Tái Sinh .. Tốt Đẹp Hơn 2 - Video Đạt Lai Lạt Ma



        Trở lại trang mặt